do chính anh gây ra cái chết thương tâm của hai đấng sinh thành. Họ vì anh nên bị bọn Mafia bên Mỹ báo thù. Một cái giá khá đắt do lòng thương người của anh gây nên. Lữ Đông nhớ có một lần anh cứu một người đàn bà đang bị chúng hãm hại một cách dã man, tàn nhẫn. Kết quả lòng tốt của anh là cái chết của cha mẹ anh được bọn chúng giàn dựng công phu để qua mắt được pháp luật. Mục đích của bọn chúng không ngoài lời cảnh cáo những ai dám chúi mũi vào công việc của chúng. Nhưng Lữ Đông đâu phải là gã đàn ông khiếp nhược, yếu bóng vía để cho chúng mặc tình bắt nạt, đe doạ. Để đối đầu với bọn chúng, Lữ Đông quyết tâm thi vào trường đại học luật để lấy chính công lý mà bọn chúng xem thường dạy cho chúng bài học đắt giá là công lý trên đời này bao giờ cũng trường tồn vĩnh cửu. Không có điều gì xấu xa, nhơ nhuốc có thể chạy trốn được trước bàn tay công lý.
Quyết tâm sắt đá của anh trở thành hiện thực khi chính tay anh đưa chúng lên vành móng ngựa, vạch trần tội ác do chính chúng gây ra cho bao người dân lương thiện - và cái ác đó chúng phải đền bù thật đích đáng. Kẻ nhẹ tội nhất thì cũng bị ngồi xé lịch từ mười đến hai mươi năm, đến chung thân. Còn người cầm đầu băng nhóm được đặt trang trọng trên chiếc ghế điện. Ai dám bảo luật pháp không công bằng.
Ngẫm nghĩ lại mà Lữ Đông phải cảm ơn bọn chúng, vì nhờ bọn ác lương đó, mà Lữ Đông mới có cùng một lúc hai tấm bằng xuất sắc. Một bằng Kinh tế do niềm say mê khát vọng làm giàu cho đất nước tạo nên. Một bằng tốt nghiệp đại học Luật do chính niềm căm thù cái ác, luôn tin vào chính nghĩa đã giúp anh đạt xuất sắc trong thành tích học tập.
Nhưng điều tốt đẹp nào cũng có mục tiêu cực của nó cả. Và Lữ Đông rùng mình nhớ lại khoảng thời gian, anh đã lao vào học như điên, học từ sáng đến tối. Chỉ cần có chút thời gian là anh lao vào thư viện hết ngốn ngấu nghiên cứu tài liệu đến ghi chép những điều mà anh cảm thấy quan trọng vào sổ tay để tối về tranh thủ thời gian xem lại. Khoảng thời gian đó Trần đau khổ vì tình yêu chẳng màng quan tâm đến điều gì ngoài việc học thế mà còn lên tiếng ngăn chặn việc học của anh. Lữ Đông còn nhớ sau cuộc lên tiếng can ngăn của Trần, Lữ Đông ngã một trận bệnh khủng khiếp, anh cứ ngỡ mình sẽ theo cha mẹ về bên kia thế giới. Nào ngờ thần chết buông tha anh sau một tháng dài nằm liệt giường với bao chứng bệnh đau đầu do lao động trí não quá mức, loét bao tử do ăn uống thất thường cộng thêm việc thiếu máu trầm trọng, hậu quả của những lần thức đêm... nói chung lúc đó mọi cơ quan trong người anh nơi nào cũng bị bác sĩ bảo là không tốt cả. Tội nghiệp Trần, lúc đó sợ anh chết mà quýnh quáng hết chạy đôn chạy đáo lo cho anh, còn cố dò thêm để xem có vị giáo sư bác sĩ nào tài giỏi là Trần mời khám cho anh bằng được mới thôi. Mạng sống của anh bây giờ có được cũng đều chính tay Trần gây tạo nên cả...
Mải suy nghĩ về quá khứ, mà Lữ Đông đã thả bộ vào con hẻm dẫn đến nhà Trần - lúc nào anh cũng không hề hay biết. Mặc dù chỉ mới hơn mười giờ đêm mà con hẻm này đã vắng lặng rồi. ánh đèn từ trong những ngôi nhà chập choạng hắt ra lúc sáng lúc tối khiến Lữ Đông không thấy rõ đường đi cho lắm. Nhưng cuối cùng rồi anh cũng đứng trước cổng nhà. Lữ Đông không dám bấm chuông gọi cổng vì sợ làm phiền mọi người trong nhà giữa lúc đêm khuya. Và anh đành chép miệng nói một mình.
Nên leo rào vào nhà vậy.
Vừa suy nghĩ xong, Lữ Đông đi tới đi lui xem xét nơi nào thuận tiện nhất để anh leo rào vào. Bất chợt chân anh đá phải một người.
- Ai mà nằm ngủ trước nhà Trần vậy cà? Sao họ không tìm nhà nào có hàng hiên mà nằm. Nằm ở đây rủi trời mưa xuống làm sao tránh kịp. Cảm thấy bất nhẫn, Lữ Đông cúi xuống đánh thức họ dậy cho họ một lời khuyên. Nếu cần có thể anh giúp họ chút đỉnh được kia mà. ánh đèn chiếu vào, soi rõ gương mặt đó, Lữ Đông hốt hoảng.
- Trần, Trần tỉnh lại. Tại sao mày lại nằm ngủ ở đây? Từ người Trần toát ra mùi rượu, Lữ Đông giờ mới hiểu nguyên nhân vì sao mà thằng bạn nằm ở đây. Khẽ xỉ tay lên trán bạn, Lữ Đông lầm bầm chửi.
- Thằng khỉ, riết rồi mày hư quá đi mất. Không còn cách nào khác, Lữ Đông đành đứng dậy đưa tay bấm chuông gọi cổng. Một thân một mình anh thì giải quyết vào nhà đã là chuyện khó rồi, đằng này lại có thêm thằng quỉ Trần say be bét thử hỏi anh xoay sở bằng cách nào đây. Ba mươi sáu chiêu chỉ có chiêu gọi cổng là thượng sách.
Bà Năm vẫn là người ra mở cổng cho hai đứa anh vào nhà.
- Ba má Trần ngủ rồi hả bà Năm?
- Ngủ gì mà ngủ cậu ơi. Ông bà chủ đang ngồi trò chuyện trong phòng khách kìa. Thôi cậu vào nhà đi, sẵn tôi ngồi ở đây đón gió rồi chờ cậu Trần về luôn thể.
Lữ Đông cười nhẹ:
- Nó về rồi bà Năm ơi.
Bà Năm đưa chiếc khăn rằn lau chiếc miệng đỏ chót vì nhai trầu rồi ngạc nhiên nói.
- Cậu Trần về lúc nào sao tôi không hề hay biết vậy cà?
- Bà Năm nhìn xuống chân cháu ai ngồi đây? Bà Năm theo lời nói của Lữ Đông, đưa mắt nhìn xuống rồi hốt hoảng hỏi Lữ Đông.
- Cậu Trần sao vậy? Chẳng lẽ có chuyện gì xảy ra với hai cậu sao?
Lữ Đông khoát tay, anh nói như phân trần.
- Cháu về thì thấy Trần đã nằm ngủ ở đây rồi. Bà năm yên tâm đi, nó không sao đâu. Chẳng qua uống rượu nhiều quá nên quên trời quên trăng vậy mà, cũng may trực giác đã đưa Trần về nhà... Lữ Đông cúi xuống xốc Trần đứng dậy. Thôi ta vào nhà đi bà Năm. Đêm nay ba mẹ Trần có một phen hú vía vì cậu con quý tử này.
Sực nhớ, bà Năm hỏi:
- Còn chiếc xe của cậu Trần đâu cậu Đông?
Giờ nghe bà Năm hỏi, Lữ Đông mới sực nhớ đến chiếc mô tô mà lúc chiều tối Trần xách chạy. - Bà Năm bước ra xem có ở đâu đó không?
Bà Năm bước ra nhìn dáo dác.
- Hình như nó nằm ở sau cây bồ đề... Bà Năm tất tả đi về hướng đó.
- Đúng là xe của cậu Trần rồi.
- Bà Năm vui lòng giúp con canh cổng để con dìu Trần lên phòng rồi xuống đây dẫn xe vào gara.
- Được rồi, cậu cứ yên tâm lo cho Trần xong rồi xuống, giờ này bà Năm rảnh rang đâu có việc chi làm mà cậu gấp rút.
Lữ Đông yên tâm dìu Trần đi vào ngõ sau để lên phòng riêng của Trần. Anh không muốn ông bà Chấn Nam nhìn thấy cậu con trai cưng trong hoàn cảnh bê bết thảm hại như thế này.
Chỉ ít phút sau Lữ Đông trở ra cổng, anh tiến về cây bồ đề dẫn chiếc xe Trần vào gara. ánh đèn trong nhà sáng rỡ nên Lữ Đông thấy trên nệm xe Trần có vẽ hình con bướm đang dang cánh thật sinh động sắc sảo.
Lắc đầu cười, Lữ Đông khẽ nói một mình:
- Thằng này đã say còn biết ngọ nguậy vẽ hình. Mà nét vẽ thật sinh động, trông cứ y như là bướm thật vậy.
***
Nhu Phong trở về nhà, lúc cha mẹ cô không ngờ đến vì chị Hương không hề hé môi gì với ông bà Công Đạt chuyện chị đến gặp Nhu Phong. Chị không dám nói cho ông bà chủ biết, chẳng qua chị sợ Nhu Phong nổi tính ngang bướng không chịu quay về, lúc đó ông bà chủ sẽ thất vọng hơn nữa.
Ông bà Công Đạt sững sờ khi thấy Nhu Phong bước vào, ông Công Đạt nhìn trân trân vào Nhu Phong còn bà Công Đạt sau phút bất ngờ đã oà lên khóc. Nhu Phong cũng chảy nước mắt, cô bước như chạy đến ôm chầm lấy mẹ.
- Mẹ!
Một tay ôm mẹ, một tay Nhu Phong với sang nắm lấy tay cha.
- Thưa cha.
Ông Công Đạt nghe lại được giọng nói con gái yêu thỏ